Lòng tin người dân liệu sẽ còn nữa?
Đây là một trong 6 vụ khiếu nại kéo dài được Tổng Thanh tra và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng chủ trì giải quyết ngày 22/7 trong lần tiếp dân đầu tiên theo quy định của Luật Tiếp công dân.
Theo Thanh tra Chính phủ, đơn thư của 25 hộ dân đường Lương Định Của tố cáo ông Nguyễn Việt Trung (Phó chủ tịch quận Đống Đa) cùng Giám đốc công ty TNHH Bảo Long Đinh Văn Cường đã cưỡng chế, phá dỡ nhà trái luật để lấy đất thực hiện dự án nhà ở gia đình kết hợp dịch vụ tại khu chợ tạm Phương Mai, phường Phương Mai, Đống Đa.
Thực tế hơn 10 năm qua, từ thời điểm bị cưỡng chế các hộ dân này vẫn chưa được đền bù, bồi thường và phải thuê nhà ở khiến cuộc sống hết sức khó khăn. Đại diện các hộ dân cho biết họ không thể chấp nhận giá đền bù 200.000 đồng cho mỗi mét vuông đất mặt phố. Bên cạnh đó, chế độ đền bù có cả tiền thuê nhà trong khi chờ tái định cư nhưng họ mới chỉ được hưởng tiền hỗ trợ của một năm trong khi suốt 10 năm phải đi thuê nhà.
Trong vụ việc này, Bộ Xây dựng đã hai lần lập đoàn thanh tra nhưng không thể kết luận hết những vấn đề người dân tố cáo.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phòng Tranh (giữa) cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên (trái) chủ trì buổi tiếp dân Ảnh: Chí Hiếu |
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng ban tiếp dân Trung ương) trong hai cuộc thanh tra thì một lần Bộ này phải thu hồi quyết định thanh tra mà không nói rõ lý do. Đặc biệt, hồ sơ vụ việc cho biết, tại lần thanh tra lần thứ nhất từ tháng 7/2007 đến tháng 7/2008, có 4 trong 9 nội dung Thanh tra Bộ Xây dựng không thể tiến hành để đưa ra kết luận vì “thái độ chống đối, thiếu hợp tác của công ty Bảo Long” và “thái độ bao che dung túng của chính quyền các cấp tại địa phương”.
Thanh tra Chính phủ cho hay, cơ quan này từng đưa ra kết luận được Thủ tướng đồng ý nhưng ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ cũng như kết luận thanh tra không được Hà Nội chỉ đạo quận Đống Đa chấp hành. “Trách nhiệm này là của chính quyền địa phương, Hà Nội và Bộ Xây dựng”, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh.
Có mặt tại buổi tiếp dân, Phó chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh thừa nhận thành phố đã thanh tra và chỉ đạo giải quyết nhưng chỉ đạo này chưa nhận được đồng thuận của dân nên không thể thực hiện. Ông Khanh kiến nghị để Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục làm rõ.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra cho biết sẽ đề nghị Thủ tướng thành lập đoàn thanh tra liên ngành do cơ quan này đứng đầu, tiến hành thanh tra đột xuất dự án này dù trong kế hoạch năm 2014 không có.
Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên lấy làm tiếc và nhận lỗi với người dân vì “vụ việc đã đến Thủ tướng nhưng chưa được làm rõ”. Bộ trưởng khẳng định sẽ báo cáo tình tiết này cho Thủ tướng đồng thời kiến nghị người đứng đầu Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện dự án, kết quả thanh tra sẽ minh bạch cho bà con được biết.
Sau buổi tiếp xúc, đại diện người dân trong các vụ khiếu nại bày tỏ sự đồng tình với kết luận của chủ tọa, đặc biệt là việc Tổng thanh tra hứa sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra để hạn chế tình trạng trên bảo dưới không nghe, khiến các vụ khiếu kiện kéo dài.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết thõa đáng, trên thực tế con số này gấp rất nhiều lần nữa. Nó chứng tỏ sự yếu kém trong bộ máy quản lý và sự nể nang nhau giữa các tổ chức. Điều này làm chi uy tín của cơ quan có thẩm quyền ngày một giảm đi và một câu hỏi đặt ra về năng lực quản lý thật sự của họ. Nếu những vụ việc tương tự như trên còn kéo dài thì thử hỏi liệu lòng tin của người dân sẽ còn nữa?
Năm Ảo