Tiễn nhà văn Tô Hoài về nơi an nghỉ cuối cùng

4:16 AM |
Tô Hoài - một nhà văn lớn của nền Văn học Việt Nam với rất nhiều tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông, đặc biệt là các ký sự. Ông đã có công đóng góp rất lớn cho nền văn học nước nhà. Hẳn những ai trong chúng ta khi còn trẻ cũng đều ít nhất một lần đọc qua hay được thầy cô dạy về tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của ông. Chú Dế mèn đã đồng hành cùng tuổi thơ của chúng ta với những câu chuyện nhẹ nhàng đầy tính nhân văn và đi vào lòng người. Lễ tang của nhà văn được hoãn lại khá lâu và sáng ngày 17/7 đã có rất nhiều người đến tiễn đưa nhà văn về nơi an nghỉ cuối cùng. Chi tiết blog Ảo Thiết xin trích từ Vnexpress.net như sau:

Trời mưa như trút nước suốt hơn ba giờ đồng hồ diễn ra lễ viếng Tô Hoài và tạnh ráo khi linh cữu ông được đưa ra xe để tới Nghĩa trang Thanh Tước, nơi an nghỉ cuối cùng của nhà văn.

11 ngày kể từ khi Tô Hoài qua đời, sáng 17/7, gia đình, đồng nghiệp và nhiều độc giả đã tới Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội để tiễn đưa ông. Vì nhiều lý do, lễ tang nhà văn được hoãn lại khá lâu. Khoảng thời gian này đủ để chuẩn bị một lễ tang trang trọng, chu đáo; đồng thời để những đau thương đột ngột được xoa dịu bớt, thay vào đó là tâm thế chia tay nhà văn một cách nhẹ nhàng, như thể “ông Dế Mèn” chỉ vừa bắt đầu chuyến rong chơi mới.












aDSC-8165-5653-1405580205

Con cháu nhà văn lẳng lặng khóc khi nhìn mặt ông lần cuối.



Không có quá nhiều tiếng khóc nức nở trong đám tang nhà văn Tô Hoài, mà là những khoảnh khắc lặng lẽ lau nước mắt của người vợ 90 tuổi - bà Nguyễn Thị Cúc; của người con trai - nhà báo Nguyễn Phương Vũ và các con gái Đan Hà, Sông Thao cùng các cháu.


Ở tuổi 90, với vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt mờ đục đã ríu vào nhau vì tuổi tác, vợ nhà văn vẫn tỏ ra là người phụ nữ cứng cỏi, kiên cường. Trong thời gian diễn ra lễ viếng, bà Cúc ngồi trên chiếc ghế, bên cạnh con cháu, liên tục cúi đầu, chắp tay khẽ "cảm ơn cô", "cảm ơn bác"... với những người đến viếng. Bà là người chăm sóc ông tới những ngày cuối đời, nhắc nhở từng miếng ăn, giấc ngủ, thuốc thang kể từ khi ông lâm bệnh tuổi già. Cứng rắn là thế nhưng tới khi linh cữu chuẩn bị được đưa tới nghĩa trang, bà không cầm được nước mắt. "Cả một đời khó khăn, vất vả, khổ sở đi theo ông ấy. Khổ lắm, mà nào có dám bỏ", bà vừa nói vừa chấm nước mắt khi nhớ tới người bạn đời hơn 70 năm.


Được người nhà đưa ra xe tang trước trong lúc chờ linh cữu, bà Cúc ngồi ở cửa xe, vân vê chiếc khăn mùi soa, vừa như thẫn thờ vừa toát lên sự chịu đựng, kiên nhẫn. Cuộc đời bà, bà từng kể trong nhiều câu chuyện trước đây, là những năm tháng hết lần này tới lần khác chờ đợi nhà văn Tô Hoài, chờ đợi những chuyến đi xa tìm kiếm tư liệu phục vụ cho sự nghiệp viết văn của ông. Giờ đây, dáng ngồi đó của bà cũng giống như là cuộc chờ đợi, nhưng là cuộc chờ đợi cuối cùng.


Con trai nhà văn - nhà báo Phương Vũ - đã khàn giọng vì lo đám tang bố những ngày qua. Trong lời cảm ơn thay mặt gia đình, anh dành nhiều tình cảm kính trọng, yêu thương cho người bố. "Bố tôi ra đi để lại nhiều hoài bão còn dang dở. Bố từng nói, ông là người không tuổi trẻ, không tuổi già, vậy sao không ước mơ, hoài bão?". Con trai nhà văn gọi chuyến đi của bố là hành trình tới miền cực lạc, nơi không thù hận, tranh đấu, buồn phiền. "Trái tim mẹ, trái tim con và cả gia đình như muốn vỡ tung. Cha ơi, hãy yên nghỉ giấc ngàn thu. Hãy yên lòng đi công tác một chuyến thật xa, thật lâu...", anh nói.









aDSC-8114-8575-1405580206

Nhà báo Phương Vũ - con trai nhà văn quá cố - đọc lời cảm tạ trong tang lễ.



Trời mưa tầm tã không ngăn được dòng người tới viếng nhà văn. Lễ tang Tô Hoài được tổ chức cấp thành phố với sự tham dự của ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều gửi vòng hoa tới viếng nhà văn lớn.


Nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đầu đoàn Hội nhà văn Việt Nam có mặt tại tang lễ. Trong sổ tang, Hữu Thỉnh viết: "Lão thành cách mạng, nhà văn hóa, một tấm gương lao động văn học đáng kính, đã cống hiến cho đất nước nhiều tác phẩm có giá trị. Tên tuổi và sự nghiệp nhà văn Tô Hoài sẽ sống mãi [...] Anh Tô Hoài kính mến, sau hơn 70 năm cầm bút, giờ này xin anh hãy yên nghỉ".


Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - như một thành viên trong gia đình, đã đứng cạnh linh cữu của nhà văn Tô Hoài trong quá nửa thời gian diễn ra lễ viếng. Trong sổ tang, ông viết: "Hội nhà văn Hà Nội vô cùng thương tiếc nhà văn Tô Hoài, nhà văn lớn của đất nước và thủ đô, người anh cả của văn chương Hà Nội, người đã có ảnh hưởng to lớn và sâu sắc tới nhiều thế hệ nhà văn Hà Nội. Bác Tô ơi, chú Dế Mèn sẽ tiếp tục mang những trang văn của bác đến các thế hệ bạn đọc mai sau ở trong và ngoài nước".


Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Việt Nam, thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trước cách mạng và kháng chiến chống Pháp. Tô Hoài cùng Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng là những tên tuổi đã làm nên một nền văn học Việt Nam lớn mạnh. Trong số đó, Tô Hoài viết nhiều nhất. Tôi đặc biệt chú ý tới mảng ký sự của ông với những tác phẩm như Chiều chiều, Cát bụi chân ai... Ông có bút pháp văn chương riêng, làm nên một giọng kể chuyện đặc biệt ít lẫn với nhà văn nào khác. Ông như người thư ký cần mẫn của thời đại, đi rất nhiều, ghi chép tất cả và ông viết một cách cần cù, miệt mài, không ngừng nghỉ cho đến cuối đời". Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến còn cho rằng, Tô Hoài làm nhiều việc ngoài công việc nhà văn. "Có lần tôi hỏi Tô Hoài, sao bác thích thú chuyện bác làm hội thẩm ở các tòa án thế? - Bác bảo tôi: tôi làm ở đó để lấy tư liệu mà viết".


Trong số những người tới viếng nhà văn Tô Hoài có gia đình những bạn văn đã khuất của ông - gia đình nhà văn Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Quang Sáng... Bà Trần Thị Hồng, con gái của nhà văn Nam Cao, tâm sự: "Tôi mong mỏi ông xuống đấy sẽ gặp bố tôi để chuyện trò với nhau sau mấy chục năm xa cách". Bà Hồng kể, khi còn nhỏ nhà văn Tô Hoài hay tới nhà bà chơi. "Tôi bấy giờ còn nhỏ, được bác dẫn đi chơi khắp nơi, chơi bịt mắt bắt dê và nhiều trò khác. Ấn tượng của tôi với bác Tô Hoài là bác rất vui tính và chiều con cháu". Theo bà Hồng, nhà văn Tô Hoài từng muốn tác thành cho con gái ông với em trai của bà nhưng duyên không tới. Tất cả anh chị em bà đều coi nhà văn Tô Hoài như người bố trong nhà.


Không chỉ bạn văn, lễ viếng Tô Hoài còn sự góp mặt của không ít độc giả, đặc biệt là những em thiếu nhi mê "Dế Mèn phiêu lưu ký". Ngô Ngọc Linh, học sinh lớp 8M, trường THCS Trưng Vương, cho biết, em vừa là bạn thân của cháu nội Tô Hoài, vừa là người yêu quý "ông Dế Mèn". "Cuốn sách đáng nhớ nhất trong tuổi thơ của em là tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Nhân sinh nhật lần thứ tám, mẹ đã mua tặng em cuốn truyện. Em đọc và phát hiện nhiều điều mới mẻ khiến mình yêu văn chương hơn. Cũng nhờ đó em đã quyết định vào lớp Văn của trường Trưng Vương". Chưa có dịp được nói chuyện với ông Tô Hoài nhưng qua người bạn thân, Ngọc Linh cảm nhận được ông là một người hiền lành, thân thiện và rất yêu thương cháu.












aDSC-8328-4608-1405580207

Vợ con đưa Tô Hoài trong chặng đường cuối cùng về với miền cực lạc.



Sinh thời, nhà văn Tô Hoài thường được nhớ tới với biệt danh thân thuộc - “ông Dế Mèn”. Bởi lẽ, nhiều người tin rằng, con vật được nhân cách hóa trong tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam, chính là hiện thân tính cách, con người tác giả. Không chỉ thế, có người được gặp trực tiếp Tô Hoài còn thấy thêm rằng, thần thái của nhà văn thật giống nhân vật của ông, với hai chiếc răng cửa hơi chênh chếch ra ngoài, nụ cười hóm hỉnh, ánh nhìn tinh anh, nhanh nhẹn. Hình ảnh đó, vẹn nguyên, được đóng khung trong tấm di ảnh ông.


Sự ra đi của ông là một mất mát rất lớn với nền văn học nước nhà, tuy vậy những tác phẩm của nhà văn luôn tồn tại với thời gian. Đối với tôi hay bất cứ ai chắc chắn cũng đều nghĩ như vậy. Ông ra đi nhưng "Dế mèn" vẫn sẽ ở mãi trong tâm trí của những thế hệ cùng thời với tôi và cả những thế hệ mai sau nữa.

Năm Ảo