Việt nam sắp nhận thêm tàu từ Nhật Bản

8:38 AM |
Trước tình hình căng thẳng ở biển Đông và cả biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc đang có tranh chấp với Việt Nam và Nhật Bản, phía Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam thêm 6 tàu hải cảnh để tăng cường tuần tra, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế trên biển. Đây là một hành động nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước, kể cả hàng hải. Đây chắc chắn là một sự bổ sung rất cần thiết trong lúc này và cũng thể hiện sự tương trợ nhau của hai nước nhằm giữ vững trật tự an ninh trên biển trước sự ngang ngược của Trung Quốc. Chi tiết blog tin tức Hỷ Diện xin trích từ Vnexpress.net như sau:

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, đang ở thăm Hà Nội, cho biết Nhật sẽ cung cấp 6 tàu và trang thiết bị nhằm giúp Việt Nam tăng năng lực thực thi luật pháp trên biển.


"Chúng tôi ký kết cung cấp 6 tàu đã qua sử dụng và trang thiết bị trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trên biển trong khuôn khổ viện trợ không hoàn lại trị giá 500 triệu yen Nhật cho Việt Nam. Tôi hy vọng rằng những trang thiết bị này sẽ góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của các cơ quan Việt Nam", ngoại trưởng Nhật nói.

Kishida cho biết ông và ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nhất trí rằng hợp tác trên biển là không thể thiếu được trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở các đường trên biển, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông.

Theo ông Phạm Bình Minh, hai ngoại trưởng nhất trí rằng các bên liên quan ở Biển Đông cần tuân thủ Tuyên bố ứng xử Biển Đông DOC, không có hành động làm phức tạp tình hình.

Trước đó, báo chí Nhật dẫn nguồn tin trong chính phủ nước này cho biết trong số các tàu nói trên có hai tàu tuần tra thuộc Cơ quan ngư nghiệp Nhật, và 4 tàu cá thương mại, trọng tải 600-800 tấn. Các tàu này đều có thể sử dụng thành tàu tuần tra biển. Nhật Bản cũng cung cấp cho Việt Nam xuồng cứu sinh và các phương tiện khác đi kèm tàu.

Phát biểu trước khi đến Việt Nam, ông Kishida cho hay chuyến thăm này nhằm thúc đẩy hợp tác về nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích song phương của hai nước, trong đó có an ninh hàng hải.

Trước những hành vi tuyên bố chủ quyền ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông, ông Kishida khẳng định Tokyo phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Ngoại trưởng hy vọng Hà Nội và Tokyo sẽ cùng hợp tác trên biển, cùng nhau duy trì trật tự hàng hải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Ảnh minh họa: the filipino power

Quan hệ giữa Hà Nội và Tokyo thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ thành "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi tháng 3.

Hai ngoại trưởng cũng nhất trí tăng cường thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua triển khai giai đoạn 5 Sáng kiến chung Việt - Nhật, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, trao đổi các biện pháp thúc đẩy thương mại, trong đó có các mặt hàng nông sản phẩm. Đồng thời trao đổi hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai hình thức hợp tác công tư (PPP) như dự án cầu Bạch Đằng, Đại học Cần Thơ,  Đại học Việt Nhật.

Ông Phạm Bình Minh thông báo hôm qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thông qua kế hoạch hành động cho bốn ngành gồm máy nông nghiệp, điện tử, chế biến lâm thủy sản, môi trường và tiết kiệm năng lượng trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đến 2020, tầm nhìn đến 2030.

Đây là một động thái cho thấy Nhật Bản vẫn luôn ủng hộ nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông cũng như tạo một sự đoàn kết giữa hai nước trong bối cảnh Nhật Bản cũng đang tranh chấp với phía Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Với sự giúp sức này của Nhật Bản thì chúng ta càng có thêm được phương tiện để hỗ trợ và tạo bước đệm cho những hợp tác khác trong tương lai.

Năm Ảo

Việt Nam chuẩn bị gì trước cơn bão Rammasun?

3:32 AM |

Cơn bão có tên Thần Sấm đã chạm vào Philippines, như một thông lệ thì nó cũng có thể chạm vào Việt Nam sắp tới, vậy chúng ta đã chuẩn bị gì cho nguy cơ này?


Cơn bão này chỉ mới hình thành cách đây vài ngày nhưng sức mạnh hủy diệt của nó đang dần lộ rõ bởi sự lớn mạnh của nó tăng theo thời gian, Philippines sẽ là nước đón nhận thảm họa thường niên này đầu tiên, thật đáng buồn và lo lắng. Dù sao, hướng di chuyển của cơn bão Rammasun (tên này được đặt theo tiếng Thái Lan) cũng đang chỉ về khu vực Bắc Bộ nước ta và Việt Nam hiển nhiên phải có sự chuẩn bị từ sớm như bao năm nay vẫn phải làm như việc định kỳ vì an toàn tính mạng lẫn tài sản cho người dân.

hướng đi bão Thần Sấm
Bản vẽ mô tả dự báo hướng di chuyển của cơn bão Thần Sấm.


Cũng đưa tin về dự đoán nguy cơ cơn bão Thầm Sấm như blog tin tức Ảo Thiết và công tác chuẩn bị của nhà nước ta trước nguy cơ tự nhiên này, trang VnEpxress đã có bài Bão Thần Sấm có thể ảnh hưởng Việt Nam với nội dung như sau:

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án ứng phó với bão Rammasun bởi khả năng sẽ ảnh hưởng vùng đồng bằng Bắc Bộ và khu vực tây bắc với sức gió mạnh cấp 10, gây mưa lớn.

Chiều 15/7, bão Rammasun (có nghĩa là Thần Sấm) đã ở trên bờ biển phía đông, miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất từ 134 đến 149 km/h (cấp 13). Tiếp đó, bão di chuyển chệch lên phía bắc với vận tốc 20 km/h. Đến chiều 16/7, Rammasun sẽ giảm tốc xuống còn từ 103 đến 133 km/h (cấp 11, 12) và ở trên khu vực phía nam đảo Luzon (Philippines).

Chiều 17/7, Rammasun cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh nhất từ 103 đến 133 km/h (cấp 11,12).

Theo ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, sau khi bão đi vào Biển Đông vào chiều 16/7 sức gió sẽ giảm xuống còn cấp 9, 10 rồi lại tăng lên cấp 12, 13 khi đổ bộ vào Hải Nam (Trung Quốc). Lúc này, bão sẽ ảnh hưởng khu vực Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió cấp 9,10 từ ngày 20 đến 23/7.

Cũng theo ông Cường, lượng mưa sẽ tăng dần từ ngày 18 đến 20/7 nhưng tập trung chủ yếu vào ngày 20-23/7 với lượng mưa 200-300 mm. Vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và khu vực tây bắc, trong đó các tỉnh miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Đại diện cơ quan khí tượng nhận định, cơn bão trên có nhiều điểm giống với bão số 2 xảy ra vào năm 1983 với tên gọi là Vera. "Cơn bão này khi đi vào biển Đông giảm khoảng 1, 2 cấp sau đó tăng tốc trở lại khi đổ bộ vào Hải Nam. Ảnh hưởng đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và gây lượng mưa tương đối lớn cho khu vực này", ông Cường nói.

bão Rammasa
Theo dự báo của Đài quan sát Hải quân Mỹ thì bão Rammasa đổ bộ vào đất liền VIệt Nam vào ngày 20/7.


Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão chiều 15/7, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết đã thông báo cho 58.400 tàu với 235.000 người biết tình hình cơn bão Rammasun. Hiện ở khu vực biển Hoàng Sa có 79 tàu, với 781 lao động. Ông Diệu cũng khuyến cáo các địa phương vùng đông và tây bắc cần rà soát và lên phương án đối phó; nhất là thủ đô Hà Nội cần có phương án chống ngập lụt.

Nhận định đây là cơn bão có diễn biến bất thường, vùng ảnh hưởng rộng và cơn bão số 2 trên biển Đông này khả năng sẽ là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng đến vùng đất liền Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị chuẩn bị theo dõi sát sao và đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, tránh thiệt hại về người và của. Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng liên quan kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển đi về phía nam hoặc vào bờ.

Với tàu cảnh sát biển và kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Bộ Quốc phòng cần tính toán thời gian đảm bảo an toàn cho hai lực lượng này. Bên cạnh đó, các đơn vị cần rà soát chương trình chống bão trong năm. Người dân được khuyến cáo chằng chống nhà cửa ngay từ đầu mùa bão, tránh trường hợp bão vào mới làm gây tai nạn không đáng có; đồng thời rà soát khu vực có khả năng đe dọa đến người dân như sạt lở, lũ quét, các hồ chứa.

Dù con người đã phát triển công nghệ gần như huyền thoại hóa, sức mạnh kinh người, song trước thảm họa tự nhiên với sức mạnh không thể chống đỡ nổi như một cơn bão nhiệt đới Thần Sấm này thì vẫn không có cơ hội nào khắc chế, chỉ có chờ đợi, chống chịu và giảm thiểu thiệt hại, và chúng ta phải chung tay làm hết sức phần này vì đồng bào, vì đất nước.

Thanh Thái

Trung Quốc và sự ủng hộ của quốc tế trong mắt chuyên gia

10:07 AM |

Không chỉ Việt Nam mà đến cả Trung Quốc đang sai quấy cũng ra sức tranh giành sự ủng hộ của các nước, trong mắt chuyên gia quan hệ quốc tế thì Trung Quốc đang thua đậm.


Khi nói đến việc Bắc Kinh cũng đang tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam với giàn khoan 981 thì chúng ta thấy có vẻ buồn cười và vô lý, song đó lại là sự thật mà nhà cầm quyền của Trung Quốc đang thực hiện, minh chứng cho điều đó là việc họ liên tục đưa tin sai sự thật, vu cáo Việt Nam, tung hỏa mù không chỉ với người dân nước họ mà với cả thế giới, mục đích chính vẫn là muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề biển Đông.

Trung Quốc đang vấp phải nhiều sự phản đối và chỉ trích từ quốc tế
Trung Quốc đang vấp phải nhiều sự phản đối và chỉ trích từ quốc tế, trong khi Việt Nam đang dần được các nước lên tiếng bênh vực nhiều hơn.


Tuy nhiên, hành động phi nghĩa và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc không thể che đậy mãi và đã lộ rõ trước mắt bạn bè các quốc gia rằng Trung Quốc không là gì khác ngoài một việc đang là một kẻ to xác ức hiếp quốc gia nhỏ hơn, một Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng, đây cũng là nhận định của một chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế của Singapore trong bài viết Chuyên gia: 'Trung Quốc thua trong cuộc chiến giành ủng hộ của thế giới' mà hôm nay VnExpress đã đăng tải với nội dung như sau:

Những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông thể hiện hình ảnh của một kẻ bắt nạt, và điều đó khiến nước này đang thua trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của công luận thế giới, một chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Singapore nhận xét.

Ông Euan Graham từ Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, trả lời phỏng vấn của VnExpress về chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Hà Nội và những diễn biến gần đây ở Biển Đông.

- Ông bình luận như thế nào về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm qua?

- Tôi không ngạc nhiên về việc cả hai bên đều giữ quan điểm của mình. Rõ ràng chuyến thăm của ông Dương không mang lại tiến triển đáng kể nào cho tình hình ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn tỏ ra kiên quyết khi nói về hoạt động của giàn khoan 981 và yêu sách với Hoàng Sa.

Dường như Trung Quốc đang cố gắng lấy điểm trong mắt cộng đồng quốc tế sau khi hạ đặt giàn khoan. Chuyến thăm của ông Dương có thể chứng tỏ là Bắc Kinh vẫn cam kết đối thoại với Việt Nam ở một số cấp độ. Nhưng thực tế là hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Tôi cho rằng quan hệ hai nước vẫn căng thẳng vì Trung Quốc không lùi bước ở Hoàng Sa. Việt Nam, đã nỗ lực xây dựng quan hệ với Trung Quốc suốt từ 2012, cũng không thể nhượng bộ.

- Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện mà Philippines khởi xướng tại tòa án trọng tài quốc tế, nhưng lại gửi văn bản lên Liên Hợp Quốc để nói về việc họ đặt giàn khoan ở gần Hoàng Sa. Theo ông thì tại sao họ làm như vậy?

- Cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang tham gia một chiến dịch thuyết phục quốc tế về tuyên bố của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên tôi không nghĩ Liên Hợp Quốc có thể đứng ra làm trung gian hòa giải vì Trung Quốc đang là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Công ước về Luật biển năm 1982 đem lại cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, nhưng Trung Quốc không bị buộc thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết và họ cũng đã từ chối tham gia. Trung Quốc có thể muốn tiếp tục cách tiếp cận song phương vì cơ chế đó có lợi hơn cho việc thể hiện sức mạnh của họ. Điều đó giải thích một phần cho chuyến thăm Hà Nội của ông Dương Khiết Trì hôm qua.

- Ông có cho rằng Trung Quốc sẽ rút giàn khoan 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào giữa tháng 8 như họ công bố? Sau đó sẽ là gì?

- Trung Quốc không đề cập tới hạn chót hoạt động của giàn khoan. Điều đó mở ra khả năng rằng Trung Quốc sẽ duy trì giàn khoan nếu họ tìm thấy dầu khí. Tuy nhiên tôi tin giàn khoan 981 ở đó chủ yếu vì lý do chính trị hơn là lý do thương mại.

CNOOC có thể muốn rời giàn khoan này tới vị trí thuận lợi, gần với cơ sở hạ tầng ở duyên hải của Trung Quốc hơn. Nhưng giàn khoan không chỉ là tài sản thương mại. Với chính phủ Trung Quốc, nó là tài sản di động của nhà nước.

- Tại Trường Sa, Trung Quốc được cho là đang thực hiện một loạt hành động mang tính thay đổi hiện trạng và dự kiến có thể xây dựng đường băng, căn cứ quân sự….Việc này có hệ quả gì?

- Việc khai hoang và xây dựng của Trung Quốc đại lục và Đài Loan là một chỉ dấu nghiêm trọng về lâu dài với Biển Đông, nghiêm trọng hơn cả việc đặt giàn khoan dầu.

Hành động này rõ ràng vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mà Trung Quốc đã ký với ASEAN. Nó cũng khiến triển vọng hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử (COC) trở nên khó khăn hơn.

Trung Quốc có vẻ như đang vội vàng đẩy mạnh quyền kiểm soát có hạn của họ tại Trường Sa trước khi vụ kiện của Philippines được tòa án trọng tài phân xử.

Bằng cách xây dựng đường băng trên một hoặc nhiều thực thể mà họ chiếm giữ, Trung Quốc sẽ có độ phủ tốt hơn trên không ở Biển Đông, nhờ đó thuận tiện hơn trong việc tuyên bố Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở đây trong tương lai.

- Nhìn vào căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, ông thấy những điểm yếu nào trong lập luận của Trung Quốc?

- Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của thế giới, khi những hành động gần đây của họ thể hiện, theo đúng nghĩa đen, hình ảnh của một kẻ bắt nạt.

Trung Quốc dường như đã chuẩn bị trước để chấp nhận điều này, coi đó là cái giá về chính trị để trả cho hai điều. Một, về dài hạn, là chuẩn bị cho các mục tiêu của họ bên trong đường chín đoạn. Hai, về ngắn hạn, là thực hiện nhu cầu củng cố các vị trí ở khu vực đó trước khi tòa án trọng tài xử lý vụ kiện của Philippines, và tranh thủ lúc Mỹ đang bận tâm tới các cuộc khủng hoảng khác.

Cần lưu ý rằng trong tài liệu gửi Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có kèm cả một bản đồ các hoạt động thương mại của Công ty dầu khi Hải Dương cùng giàn khoan 981. Như vậy rõ ràng yêu sách chủ quyền của họ không chỉ với Hoàng Sa mà toàn bộ phần bên trong đường 9 đoạn.

Làm sao mà nhà cầm quyền Trung Quốc có thể giành được sự ủng hộ của quốc tế khi họ đang rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế? Xâm phạm và cố ý gây hấn với các nước bé hơn với yêu sách không chỉ vô lý mà còn cực kỳ tham lam khi muốn ôm trọn cả vùng biển Asean trong tay? Đây là thời đại phong kiến ư? Giấc mộng bá quyền dựa vào vũ lực của Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt.

Tư Thiết