Thất bại của Tây Ban Nha là lịch sử tái diễn

10:35 AM |

Chuyện một nhà đương kim vô địch World Cup bị thất bại ê chề ngay vòng bảng như Tây Ban Nha ở 2014 này không hề mới bởi trước đó có không ít trường hợp tương tự.


Có lẽ nhiều người thấy chuyện một nhà đương kim vô địch World Cup như Tây Ban Nha lại thua tan tác và phải xách vali về nước ngay từ vòng bảng là điều không thể tin nổi, song những câu chuyện như thế này không hề mới mà kỳ thực là đã xảy ra trước đó không ít, chỉ có một điểm khác biệt nho nhỏ là mùa World Cup 2014 này nhà vô địch Tây Ban Nha thua quá tệ hại.

Tây Ban Nha thảm bại về nước
Nhà vô địch Tây Ban Nha thảm bại về nước.


Trên chuyên mục World Cup của VnExpress hôm nay có bài Tây Ban Nha và những nhà vô địch bạc nhược đã nói nhiều về chuyện này với các dẫn chứng lịch sử rõ ràng mà blog tin tức Ảo Thiết xin được trích lại như sau:

Tây Ban Nha không phải là đội duy nhất đến World Cup với tư cách đương kim vô địch để rồi sau đó thất bại ê chề ở vòng bảng.

Trong bốn kỳ World Cup gần đây nhất, có đến ba lần đội đương kim vô địch phải xách va li về nước sớm ngay sau vòng bảng. Nhưng Tây Ban Nha tệ nhất trong số ấy, khi là nhà vô địch đầu tiên thua cả hai trận đầu. Với lứa cầu thủ tài năng như Xavi, Xabi Alonso và Iker Casillas, World Cup 2014 đã viết cho họ một kỷ niệm buồn ở chương cuối của sự nghiệp.

Italy (năm 1950)

Italy là nhà vô địch World Cup 1938. Tuy nhiên, sau 12 năm nghỉ do chiến tranh thế giới thứ hai, màn tái xuất của Italy tại World Cup 1950 chẳng khác nào cơn ác mộng với người hâm mộ đội bóng này.

Tại giải đấu này, Italy mất nhiều cầu thủ bởi thảm họa máy bay Superga năm 1949. Nằm cùng bảng với Paraguay, Thụy Điển và Ấn Độ (đội sau này rút lui), Italy để thua Thụy Điển 3-2 và ngậm ngùi nhìn đội bóng Bắc Âu đi tiếp do thể thức thi đấu của World Cup 1950 chỉ chọn đội đầu bảng vào vòng trong.

Brazil (1966)

Dù có Pele và Tostao, Brazil - nhà vô địch năm 1962 - không thể chơi như mong đợi trong giải đấu diễn ra ở Anh. Đội bóng Nam Mỹ nằm cùng bảng với Hungary, Bồ Đào Nha và Bulgaria. Hai trận thua liên tiếp cùng với tỷ số 1-3 trước Hungary và Bồ Đào Nha đã khiến Brazil phải sớm khăn gói về nước. Sau này, Pele đã than phiền rằng World Cup 1966 ở Anh là giải đấu bạo lực nhất mà ông từng phải chịu đựng.

Pháp (2002)

Đây là nhà vô địch giống với Tây Ban Nha nhất. Pháp vô địch World Cup 1998 rồi Euro 2000, nhưng cho đến giờ, không ai có thể lý giải được vì sao lứa cầu thủ tài năng khi ấy của họ lại bị loại sớm ở giải đấu tổ chức tại Nhật Bản - Hàn Quốc.

Nằm cùng bảng với Senegal, Uruguay và Đan Mạch, Pháp đội sổ chỉ với một điểm. "Les Bleus" thua sốc Senegal ở trận ra quân với tỉ số 0-1, sau đó hòa 0-0 với Uruguay. Cuối cùng, Đan Mạch tiễn nhà vô địch về nước với chiến thắng 2-0.

Italy (2010)

Ngay chính giải đấu Tây Ban Nha đăng quang cách đây bốn năm, Italy, với tư cách đương kim vô địch, bị loại ngay vòng bảng - nơi họ thậm chí không thắng nổi đội bóng tí hon lần đầu dự World Cup là New Zealand. Trước đó Italy hòa Paraguay 1-1 ở trận mở màn. Ở trận cuối cùng, đội bóng này nhận thất bại 2-3 trước Slovakia để rồi phải về nước với chỉ hai điểm sau ba trận, xếp chót bảng.

Một điều tưởng chừng hết sức vô lý lại đã lặp đi lặp lại trong lịch sử không chỉ một lần như vậy thì thật là quá kỳ lạ, không biết với mọi người thì sao nhưng riêng aothiet.com mà nói thì chuyện này cứ như có một thế lực nào đó cực khủng đứng đằng sau giật dây ấy nhỉ?

Tư Thiết