Những bất cập trong vấn đề giáo dục tạo Việt Nam

4:51 AM |
Trong ngày 31/7 tại buổi hội thảo "Cải cách giáo dục đại học" giáo sư Ngô Bảo Châu đã có buổi trảo đổi về thực trạng đào tạo đại học hiện tại ở nước ta. Giáo sư nhận định cách thức đào tạo của chúng ta đã quá lạc hậu, tụt giảm nhiều so với các nước cùng khu vực và gần như là đi ngược lại với thế giới. Các quy định giữa các cơ quan không thống nhất và vẫn còn bảo thủ, làm cản trở việc bồi dưỡng những nhân tài cũng như phục vụ những nghiên cứu khoa học cho tương lai. Chi tiết blog tin tức Ảo Thiết xin trích từ Vnexpress.net như sau:
Vị GS cho rằng, giáo dục đại học đã tụt hậu ngay với các nước trong khu vực, còn Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định, vấn đề nằm ở tự chủ tài chính, bản thân ông và Bộ trưởng Giáo dục cũng không quyết định được lương cho GS Châu.

"Việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam đang làm ngược quy trình với thế giới ở tất cả các bước", Giáo sư Ngô Bảo Châu nêu vấn đề tại Hội thảo về “Cải cách giáo dục đại học" diễn ra tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP HCM ngày 31/7.

GS Ngô Bảo Châu: "Việt Nam đang đi ngược với thế giới". Ảnh: Nguyễn Loan

Theo GS Châu, việc tạo nguồn nhân lực ở các đại học Việt Nam là bồi dưỡng sinh viên giỏi và đưa các em quay lại trường làm giảng viên. Trong khi đại học phương Tây hạn chế tối đa các ứng viên địa phương này.

“Đó là tư duy cũ kỹ, sai lầm vì việc tạo nguồn như vậy mang tính chủ quan, ưu tiên người mình đào tạo, không chủ động đi tìm nguồn khác, dẫn đến thiếu tính cạnh tranh. Một nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hầu như không có lựa chọn khác ngoài tiếp tục làm ở nơi ông thầy hướng dẫn. Như vậy anh ta đánh mất đi cơ hội phát triển, sự độc lập khoa học với người thầy hầu như không có”, ông Châu nêu.
GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, quy trình tuyển chọn cán bộ giảng dạy ở đại học Việt Nam mang nặng tính hành chính, theo quy trình tuyển chọn công chức, viên chức nhà nước mà không có tính đặc thù của môi trường hàn lâm. Trong khi đại học phương Tây, tiêu chí hàng đầu là khả năng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm giáo sư ở nước ta phụ thuộc vào một cơ quan cấp nhà nước.

“Gần đây, Hội đồng chức danh chỉ công nhận chức danh giáo sư, còn việc bổ nhiệm do các trường thực hiện. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó còn phức tạp, các trường vẫn không thực sự được bổ nhiệm giáo sư. Không bổ nhiệm được một 'ông tướng' thì không thể tự chủ khoa học được”, GS Ngô Bảo Châu nói.

Về chế độ thu nhập, theo ông Châu, đây là vấn đề phức tạp, cá nhân ông không tìm ra lời giải đáp thấu đáo. “Lương giảng viên về mặt định lượng rất thấp đã đành, về cơ chế cũng rất cứng nhắc đưa đến sự phức tạp, thiếu minh bạch. Các giảng viên phải được hưởng chế độ đãi ngộ của tầng lớp trung lưu. Trong khi mức lương cố định hiện nay không phản ánh được điều đó”, GS Ngô Bảo Châu nói và đề xuất lấy thu nhập cán bộ khoa học giảng dạy làm tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học.

Cuối cùng, GS Châu nói về việc sử dụng nhân lực cao cấp. Ông dẫn chứng một GS nước ngoài nổi tiếng tự nguyện qua Việt Nam làm việc nhưng không được bất kì ưu đãi nào. Trong khi, các đại học Trung Quốc có một nguồn kinh phí lớn để khuyến khích, mời các giáo sư nước ngoài đầu ngành nghỉ hưu qua làm việc trong 3 hoặc 6 tháng.

Các đại biểu trao đổi bên lề cuộc hội thảo. Ảnh: Phan Linh

Bộ trưởng cũng không quyết định được lương

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề quản trị và tự chủ trong các trường ĐH ở Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, Luật Giáo dục đại học đã giao cho các trường quyền tự chủ rất cao nhưng lãnh đạo các trường còn dè dặt trong việc thực hiện quyền, chưa thoát được tư duy bao cấp.

Đồng quan điểm, song Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, ngoài tư duy bao cấp còn do yếu tố cản trở từ cơ chế. Các trường luôn thuộc Bộ chủ quản, kinh phí cấp qua Bộ chủ quản thì không bao giờ tự chủ được. Không có tự chủ tài chính thì mọi tự chủ khác chỉ là hình thức.

“Ở một đất nước mà tôi hoặc anh Phạm Vũ Luận (Bộ trưởng Bộ Giáo dục) không ký được lương cho anh Ngô Bảo Châu là điều rất kì lạ. Lẽ ra lương của anh Châu phải do anh quyết định vì anh ấy là một Viện trưởng nghiên cứu cao cấp về Toán...”, ông Quân đưa ví dụ khiến cả hội trường vang tiếng cười. 

Quay ra hỏi hệ số lương của GS Ngô Bảo Châu, ông Quân cười nói: “Lương hệ số 10 bằng lương bộ trưởng, nhưng các thầy ở đây bảo hệ số 10 sao đủ sống. Lương của một giáo sư mà các cơ sở và đến cả cấp bộ cũng không quyết định được thì nói gì đến cơ chế tự chủ”. 

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, hệ thống luật của VN phức tạp nhất thế giới, ngành nào cũng giữ khư khư luật của mình. Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và Nghị định của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ giao biên chế nghiên cứu viên cho các đại học (hiện các đại học chỉ có biên chế giảng dạy).

“Chúng tôi đề xuất nhưng Bộ Nội vụ trả lời rất lạnh lùng rằng là chỉ giao biên chế theo đúng luật công chức và viên chức, không giao biên chế nghiên cứu từ năm 2003. Nhưng Luật Khoa học và công nghệ ra đời sau phải có hiệu lực hơn những luật ra đời trước. Bộ Nội vụ không giao biên chế nghiên cứu, làm sao Bộ Tài chính có căn cứ để cấp kinh phí cho các nhà nghiên cứu ở các trường đại học”, ông Quân nói.

Theo người đứng đầu ngành Khoa học, làm được cơ chế tự chủ cho đại học là một con đường chông gai và gian nan. Một mình Bộ Giáo dục không làm được mà đây là trách nhiệm của nhiều bộ và nếu không có hệ thống luật pháp đầy đủ, thông thoáng thì không làm được.

Các đề xuất của GS Ngô Bảo Châu về xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học:

Quyết định của Hội đồng tuyển dụng cần được hiệu trưởng phê duyệt trên cơ sở báo cáo của Hội đồng khoa học và thư giới thiệu đến từ bên ngoài. Quyết định tuyển dụng và lý lịch khoa học của những người được tuyển phải được công bố công khai.

Lấy việc bổ nhiệm giáo sư làm trọng tâm cho việc thực hiện tự chủ khoa học của các trường đại học. Nhận thức rộng rãi giáo sư là một vị trí công tác chủ chốt, chứ không phải là một phẩm tước danh dự.

Nới lỏng hệ thống thu nhập: bên cạnh thu nhập thông thường theo thang lương công chức, cán bộ khoa học giảng dạy có thể được hưởng thu nhập đặc biệt với nguồn từ trong và ngoài ngân sách, do các trường đại học chủ động quyết định.

Trong kế hoạch đầu tư xây dựng trường, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cần chuẩn bị kinh phí để đầu tư xây dựng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy.

Thiết lập cơ chế và chính sách để “tận dụng nhân lực thời vụ cao cấp”. Lấy thành tích xây dựng và nâng cao chất lượng của đội ngũ nghiên cứu giảng dạy để đánh giá năng lực lãnh đạo trường đại học. Lấy thu nhập cán bộ khoa học giảng dạy làm một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học

Những ý kiến của giáo sư Ngô Bảo Châu là rất đúng đắn với tình hình giáo dục hiện nay ở nước ta, mọi thứ đều rất ít cải tiến cũng như thay đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Các sinh viên thiếu định hướng, những ý tưởng hay thiếu kinh phí hoạt động cũng như tìm nguồn tài trợ rất khó khăn, lương giáo viên chỉ ở mức cơ bản. Minh chứng rõ nhất là tình trạng thất nghiệp khi ra trường hay làm không đúng chuyên môn. Điều này rất cần chỉnh đốn và có biện pháp thích hợp vì nước ta đâu thiếu nhân tài, vẫn có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, giành những giải thưởng mang tầm quốc tế.

Năm Ảo

Dự đoán điểm chuẩn khối A, A1 trong kỳ thi 2014

9:42 AM |
Kỳ thi đại học đợt 1 năm 2014 vừa mới kết thúc cách đây ít ngày. Tuy các bài thi vẫn chưa được chấm nhưng có nhiều trường đã dự đoán về điểm chuẩn đầu vào của đợt thi năm nay. Theo như các thầy của những trường này thì điểm chuẩn năm nay sẽ không tăng và đa số dao động như điểm của năm 2013. Ngoài ra, còn một vấn đề tồn tại nhưng đến nay hầu như chưa có cách giải quyết triệt để đó là hiện tượng sử dụng các thiết bị công nghệ gian lận trong lúc thi cử. Sau đây, blog tin tức Ảo Thiết xin trích dẫn bài viết từ 24h.com.vn như sau:

Mặc dù đợt 1 kỳ thi vừa kết thúc, nhưng nhiều trường đã có thể dự báo điểm chuẩn khối A và A1. Trong khi đó, các thiết bị công nghệ cao vẫn là… thiết bị lạ thách thức các hội đồng thi.

Khó xác định thiết bị

Một trong những điểm nóng của kỳ thi năm nay là xác định thiết bị công nghệ cao khi nghi vấn thí sinh mang vào phòng thi.

Chuyện xảy ra ở Học viện An ninh Nhân dân. Theo hội đồng thi này, tại điểm thi số 5, khi phát hiện ra 2 chiếc đồng hồ lạ của thí sinh, mặc dù chưa xác định được đó có phải là loại thiết bị có chức năng thu phát mà quy chế quy định hay không, hội đồng thi vẫn tịch thu. Một cán bộ của Ban chỉ đạo thi giải thích: Theo quy định, khi thí sinh mang thiết bị hay vật dụng cá nhân vào phòng thi phải giải thích được nguồn gốc, tính năng; nhưng trong trường hợp này, thí sinh không giải thích được và trên đồng hồ có nhiều phím bấm, chữ nên... cứ thu là an toàn nhất. Các thành viên Hội đồng Học viện nói đùa: Hội đồng thi làm nghiêm túc có truyền thống nên thấy lạ, là thu!


Giám thị kiểm tra lại thông tin từng thí sinh. ảnh: Như Ý


Trong khi đó, tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, đích thân Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nhìn thấy một nữ thí sinh có chiếc đồng hồ hơi khác lạ; sau khi hỏi han, nữ thí sinh trả lời rằng đó là chiếc đồng thời trang, và cô được Thứ trưởng chúc thi tốt.

Ở hội đồng thi trường THPT Kim Liên (Hà Nội), một thí sinh mang thiết bị trợ thính cũng bị nghi vấn và phải làm cam đoan mới được sử dụng.

Tại điểm thi trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN), một thí sinh thị lực kém mang theo thiết bị trợ giúp cho việc đọc. Qua kiểm tra hồ sơ bệnh án của thí sinh và quan sát thấy thiết bị có màn hình nhưng không có chức năng truyền thu, hội đồng thi quyết định cho thí sinh làm cam đoan và được phép sử dụng. Nhưng cuối mỗi buổi thi, hội đồng thu thiết bị, niêm phong và phát lại cho thí sinh ở buổi thi tiếp theo. 

Ông Vũ Hoàng Linh, Phó hiệu trưởng nhà trường nói: “Khó khăn cho hội đồng là không kiểm soát được chính xác thiết bị gì, mới chỉ nhìn trên màn hình không biết bên trong có gì, nên, để an toàn, hội đồng chỉ biết xếp riêng thí sinh một chỗ, giám thị đặc biệt theo dõi và thu thiết bị, niêm phong, phát lại trước giờ thi!”.

Nhiều trường ĐH dự báo điểm chuẩn

Với đề thi của các môn khối A và A1, thầy Vũ Hoàng Linh - Phó hiệu trưởng trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) dự báo điểm chuẩn của trường này không thấp hơn năm 2013 (dao động từ 17 - 20 điểm do các môn khoa học cơ bản không hút thí sinh bằng các ngành kinh tế hay y khoa) và trường sẽ công bố điểm vào khoảng ngày 22-25/7. 

Ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng đào tạo trường này cho biết thêm: Thí sinh trúng tuyển vào trường, nếu không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký thì sẽ được ưu tiên vào ngành khác và nếu không muốn học ngành NV2, sẽ được trả giấy báo điểm để tham gia xét tuyển ở các trường ngoài.

ĐH Bách khoa HN có 6.900 thí sinh, tuyển 5.200 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, năm trước điểm chuẩn vào trường trải dài từ 18 đến 24 điểm tùy theo ngành đào tạo và năm nay, dự báo, điểm chuẩn cũng tương tự.

ĐH Ngoại thương, một trường khá ổn định ở tốp cao với 24,0 điểm khối A và 22,5 hoặc 23,0 điểm khối D trong nhiều năm, cũng dự đoán sẽ giữ nguyên điểm chuẩn.

Học viện Bưu chính Viễn thông giữ ổn định từ nhiều năm với 18 điểm khối A và 19 điểm khối D. Ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó hiệu trưởng, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh dự báo: Năm nay, điểm chuẩn vào Học viện chắc chỉ tương tự năm trước. Để có chất lượng thí sinh cao, Học viện sẵn sàng tuyển NV 2 (năm trước, có ngành NV2 cao hơn 1 điểm so với NV1; có ngành cao hơn 3-4 điểm). 

Năm nay, Học viện bắt đầu áp dụng chính sách miễn học phí 100% cho các thí sinh đoạt giải nhất học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải quốc tế và thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên; thí sinh đạt từ 25,0 điểm trở lên sẽ được giảm 50% học phí. Trong quá trình học tập, sinh viên giỏi còn được nhận học bổng theo quy định của Bộ GD&ĐT với các mức 300, 360 hoặc 450 ngàn đồng.

Đợt thi đầu tiên của kỳ thi đại học năm nay đã kết thúc và theo nhận định của nhiều giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm thì năm nay thí sinh sẽ rất khó đạt được điểm 10 ở môn toán khối A. Đề thi năm nay cũng có nhiều đổi mới, thí sinh phải nắm chắc kiến thức và linh hoạt mới có thể hoàn thành tốt bài thi và kịp thời gian.

Năm Ảo

Cho tự chọn môn thi tốt nghiệp là sai?

3:13 AM |

Bên cạnh những cái hay và mới lạ của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 thì có ý kiến rằng việc cho học sinh tự chọn môn thi là sai lầm, gây lãng phí và lệch lạc trong tư duy.


Đây là ý kiến của nhiều nhà giáo lâu năm, các thầy cô cho rằng quy định cho tự chọn môn để thi tốt nghiệp tuy có vẻ linh động và mang nhiều cái mới lạ như thoáng nhìn được sự đổi mới tích cực, song bộc lộ vài hạn chế không hay mà rõ nhất trong đó là sự lãng phí lớn khi rất nhiều đề thi không dùng đến bởi học sinh không chọn môn đó để làm bài, chưa kể dễ làm tâm lý học sinh lái hết sang các môn phổ biến như Toán, Lý, Hóa mà bỏ bê các môn quan trọng khác như môn Sử vốn cũng rất quan trọng trong việc giáo dục tư duy các em.

học sinh trong một ngày đi thi
Lo lắng không hề vô lý của một số nhà giáo nếu học sinh được tự do chọn môn thi như Toán, Lý, Hóa, Anh thì các môn còn lại như Sử sẽ đi về đâu? Liệu còn bao nhiêu em nhớ về lịch sử đất nước và một thời cha ông gian khổ mà hào hùng?


Trên trang VnExpress hôm nay đã có bài phóng sự khá chi tiết về nhận định này của các nhà giáo lão thành, blog tin tức Ảo Thiết xin được trích dẫn lại nội dung bài báo đó như sau:

Các nhà giáo lâu năm cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nay thành công với những đề thi hay, ý nghĩa. Tuy nhiên, quy định lựa chọn môn thi lại khiến học sinh học lệch và gây lãng phí cho xã hội.

Học lệch, học tủ

PGS Văn Như Cương đánh giá kỳ thi tốt nghiệp được Bộ Giáo dục kỳ vọng tạo khâu đột phá cho cuộc đánh lớn "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam" chưa thành công. Nguyên nhân là khi thực hiện mới phát hiện ra những sai lầm.

Theo thầy Cương, để thí sinh có quyền tự chọn hai môn thi là một sai lầm cơ bản. Những năm trước thí sinh phải làm bài 6 môn thi bắt buộc, trong đó có ba môn mặc định là Toán, Văn và Ngoại ngữ, ba môn thay đổi theo từng năm. Còn năm nay thí sinh chỉ phải thi hai môn bắt buộc là Toán, Văn và thi hai môn tự chọn trong số: Lý, Hóa, Sinh, Sử , Địa, Ngoại ngữ. Điều này đã dẫn đến việc có những môn cả trường không có hoặc chỉ có một thí sinh đăng ký dự thi.

"Nếu quyết định này được kéo dài trong nhiều năm tiếp thì sẽ khuyến khích học sinh học lệch - điều mà chúng ta đang cố sức xóa bỏ. Một học sinh vào lớp 10 sẽ khẳng định chỉ cần học tốt 4 môn Toán, Văn (bắt buộc) và hai môn mình tự chọn (chẳng hạn là Lý, Hóa), còn các môn khác cứ “làng nhàng” là xong", thầy Cương nhận định.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử của trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng nhận định, với việc cho học sinh tự chọn môn thi, ngoài hai môn bắt buộc đa số đều lựa chọn môn liên quan đến khối thi vào đại học, cao đẳng. Để thi tốt nghiệp các em chỉ cần học thêm một môn nữa là đủ.

Với kiểu học để thi như vậy, học sinh thi khối tự nhiên hầu như không quan tâm đến Lịch sử, Địa lý. Còn học sinh thi các khối xã hội thì không biết gì về Vật lý, Hóa học, Sinh học…

"Bộ Giáo dục có thể cho thí sinh tự chọn môn thi, nhưng đó là chọn trong hai khối bắt buộc là tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và xã hội (Sử - Địa - Ngoại ngữ) hoặc có thể chỉ công bố môn thi trước một tháng", thầy Hiếu đề xuất.

Tốn kém và lãng phí

PGS Văn Như Cương cho rằng, một tiêu chí của đổi mới thi cử lần này là giảm áp lực, căng thẳng cho thí sinh, cho xã hội, cho việc tổ chức thi. Nhưng tiêu chí này hoàn toàn không đạt vì trước kia thi ba ngày, nay thi hai ngày rưỡi. Trước kia Hội đồng coi thi phải coi 6 môn thi, nay phải coi 8 môn thi. Oái ăm là có môn thi chỉ một thí sinh mà cả hội đồng thi vẫn phải làm việc. Trước kia phải ra đề thi cho 6 môn thì nay phải ra cho 8 môn.

Theo khảo sát của thầy Trần Trung Hiếu, với cách đổi mới tổ chức thi như vậy, từ khâu ra đề, in danh sách dự thi và các ấn phẩm khác liên quan đến kỳ thi, khâu coi thi, chấm thi... cũng gây tốn kém hơn năm trước. Bản thân là người đi coi thi, thầy rất xót của khi cả một Hội đồng hàng chục người gồm lãnh đạo, thư ký, cán bộ trong và ngoài phòng thi, bảo vệ, phục vụ chỉ một thí sinh thi môn Lịch sử.

"Nhiều giám thị không lên phòng thi, phải ngồi trong phòng họp chờ thí sinh thi xong mới được về. Ai cũng mệt mỏi", thầy Hiếu kể.

Xem nhẹ Lịch sử

Nhiều năm dạy học sinh chuyên Sử, thầy Hiếu băn khoăn các bậc quản lý giáo dục có suy nghĩ gì khi quá ít học sinh chọn thi môn Sử. Theo thầy, không thi môn Lịch sử là sự lựa chọn “khôn ngoan” của các thí sinh, nhưng đó là sự báo động về tinh thần học Sử.

Khi học sinh không thi Sử, tất yếu sẽ không học Sử, hoặc thờ ơ, đối phó. Theo thầy Hiếu, điều này không thể đổ lỗi cho học sinh vì trong thời đại kinh tế thị trường các em phải tính toán lựa chọn để đạt được kết quả tối ưu nhất.

"Sẽ thế nào nếu tương lai của Tổ quốc chỉ giỏi Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ nhưng lại mơ hồ về lịch sử dân tộc. Những thế hệ đó sẽ đưa đất nước Việt Nam đi đến đâu và theo hướng nào?", thầy Hiếu đặt câu hỏi.

PGS Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD&ĐT cần cầu thị và tiếp thu một cách nghiêm túc ý kiến phản biện của các giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội, thận trọng để đưa ra và lựa chọn phương án tốt nhất cho năm sau. Mục đích là thi cử nhẹ nhàng, nhưng cũng phải bảo đảm để đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh, không để các em học lệch, học tủ.

Còn thầy Trần Trung Hiếu thì kiến nghị, đổi mới giáo dục là một quá trình nhưng phải thận trọng và chủ động. Đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ quan điểm đổi mới đến chương trình, nội dung sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học đến đổi mới kiểm tra, đánh giá và khâu cuối cùng mang tính quyết định là cách thức tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi.

Đổi mới hiển nhiên thấy mới lạ, vài ngày qua ai cũng nhận thấy đề thi năm nay khá hay và rất hợp lý, tuy nhiên đó là chủ đề thi của một vài bộ môn, nhìn tổng thể thì quả tình có sự lãng phí không hề nhỏ như ở trên đã phân tích, phần này cần phải xem xét và tối ưu lại, hơn nữa thi cử là một phần của giáo dục mà đã là sự dạy dỗ có tính chiến lược và lên kế hoạch quy mô toàn nước cho nhiều thế hệ mai sau thì không thể coi nhẹ những bài học lịch sử, mong là Bộ giáo dục có thể giải quyết cái khó này.

Tư Thiết